Bạn hẳn vẫn thường nghe đến hai từ sứ mệnh. Các tập đòan, công ty thường công bố sứ mệnh của mình rất rõ. Sứ mệnh của công ty thể hiện lý do ra đời, tồn tại và phát triển của nó. Các nhà quản trị thường hiểu rất rõ sứ mệnh của công ty mình và họ xem đó là ngọn hải đăng để lèo lái con thuyền tổ chức của mình. Cũng tương tự như vậy, sứ mệnh cá nhân chính là câu trả lời cho câu hỏi:
“Tôi có mặt trên đời này làm gì?”
Phàm là người có ý thức sinh ra trên đời này đều ít nhất một lần tự hỏi mình câu hỏi đó. Bởi vì, “Con người là sinh vật luôn đi tìm ý nghĩa của cuộc sống” (Plato). Vấn đề là không phải ai cũng tìm ra, hoặc lựa chọn được cho mình một sứ mệnh để theo đuổi. Hiểu một cách đơn giản thì sứ mệnh cũng chính là ước mơ lớn nhất của mỗi người. Ước mơ đó dai dẳng, hằn sâu vào tâm thức và văng vẳng bên tai họ từng giây phút. Ước mơ đó đủ mạnh để thôi thúc họ hành động, chinh phục từng mục tiêu nhỏ để đạt đến cái đích cuối cùng. Đôi khi ước mơ đó bị người đời coi là điên rồ, hão huyền, lập dị. Nhưng chính bản thân mỗi người sẽ luôn là kẻ đầy tớ trung thành, kiên định với ước mơ của mình, không bao giờ từ bỏ nó.
Người Mỹ thường có một câu mở lời mà tôi cho là rất hay: “ I have a dream…” (Tôi có một ước mơ). Ngày 28 tháng Tám năm 1963, mục sư hoạt động vì nhân quyền Martin Luther King, Jr. đã đọc bài diễn văn I have a dream đi vào sử sách cũng chính bắt đầu bằng bốn từ giản dị này, “ I have a dream…”:
“Tôi có một ước mơ rằng ngày nào đó trên ngọn đồi đất đỏ ở Georgia những đứa con của những người từng sống trong kiếp nô lệ và những đứa con của cựu chủ nô có thể cùng nhau ngồi xuống bên chiếc bàn của tình anh em. Tôi có một ước mơ rằng ngày nào đó thậm chí ở Mississippi, nơi ngột ngạt với sức nóng của sự bất công sẽ được biến thành một ốc đảo của tự do và công lý. Tôi có một ước mơ rằng bốn đứa con nhỏ của mình ngày nào đó sẽ được sống trong một đất nước mà ở đó chúng sẽ không bị phán xét bởi màu da, thay vào đó là bởi giá trị bên trong nhân cách của chúng. Tôi có một ước mơ, rằng ngày nào đó ở Alabama, nơi có đầy rẫy những sự kỳ thị hằn học, sẽ có một vị thống đốc đứng lên để nói về sự hòa giải, để một ngày những đứa trẻ da màu có thể lớn lên cùng những đứa trẻ da trắng như những người anh em. Tôi có một ước mơ hôm nay. Tôi có một ước mơ rằng ngày nào đó những thung lũng sẽ được nâng lên, những ngọn núi sẽ thấp xuống. Những nơi gồ ghề sẽ được san bằng, những chỗ quanh co được làm cho ngay thẳng…[1]”
Như chính lời mở đầu kiên định ấy, suốt cuộc đời mình, Martin Luther King, Jr. đã đấu tranh cho một sứ mệnh duy nhất: Đấu tranh cho tự do, bình đẳng, chống phân biệt chủng tộc. King được trao giải Nobel hòa bình, hai năm sau đó ông bị ám sát nhưng “I have a dream…” từ đó đã trở thành câu tuyên bố sứ mệnh được yêu thích, sống mãi trong lòng người dân Mỹ. Khi “I have a dream…” được cất lên là lúc một người nào đó muốn tuyên bố sứ mệnh của mình.
Sứ mệnh của mỗi người có thể được phát biểu rất rõ ràng như Bill Gates tuyên bố khi lập ra Microsoft: “Mỗi gia đình sẽ có ít nhất một chiếc máy tính để bàn”. Hay lãng mạng có phần ẩn dụ như tỷ phú Michael Dell, nhà sáng lập và giám đốc điều hành tập đoàn Dell Inc : “Tôi muốn mình có một cột cờ cho riêng mình!”.
Những người thành công thường mơ rất lớn, nhưng họ không phải chỉ mộng mơ hão huyền. Năng lực thật sự của họ đến từ tính kỷ luật. Ước mơ đủ lớn và kỷ luật trong họ đủ mạnh giúp họ có thể tỷ mẩn ghi từng danh sách của bất kì người nào từng gặp gỡ suốt nhiều năm như Bill Clinton trên con đường trở thành một nhà chính trị, hay như khiến Lý Quang Diệu chấp nhận mang tiếng “độc tài” trong góc nhìn của Phương Tây để đổi lại sứ mệnh duy nhất: Một nước Singapore thành công.
Keith Ferrazzi tác giả của cuốn Đừng bao giờ đi ăn một mình gọi những người có sứ mệnh là những kẻ “mơ mộng có kỷ luật”.
“Những kẻ mộng mơ có kỷ luật có chung một điểm: Sứ mệnh. Sứ mệnh của họ thường mang tính rủi ro, không giống ai và không dễ dàng gì đạt được. Nhưng chúng vẫn có thể đạt được. Kỷ luật giúp họ đưa ước mơ thành sứ mệnh, đưa sứ mệnh thành thực tiễn. Thực ra cũng chỉ là quá trình thiếp lập mục tiêu mà thôi.”
Keith Ferrazzi, Đừng bao giờ đi ăn một mình.
Sứ mệnh của mỗi người phải là những tiếng nói từ tận sâu thẳm kết nối con người bạn với quá khứ hiện tại và tương lai, thôi thúc bạn tiến bước. Sứ mệnh không phải chỉ để phát biểu, sứ mệnh là động lực khiến con người hành động. Thực hiện sứ mệnh không chỉ có hạnh phúc, đôi khi nó còn là máu và nước mắt. Sứ mệnh cũng tạo ra những hệ giá trị mà bạn theo đuổi, những nguyên tắc mà bạn chấp nhận hay chối từ. Sứ mệnh được nhận thức càng mạnh mẽ, bạn càng nhìn sáng rõ những việc mình cần phải làm.
Để trả lời câu hỏi “Tôi sinh ra trên đời để làm gì?” dễ dàng hơn, bạn có thể từng bước trả lời các câu hỏi nhỏ dưới đây để làm dữ liệu:
Điều gì khiến bạn cảm thấy say mê nhất?
Điều gì khiến bạn cảm thấy tự hào nhất?
Điều gì bạn làm giỏi nhất?
Ai là người bạn thần tượng nhất?
Nếu chỉ còn một ngày để sống, bạn muốn làm điều gì nhất?
Công việc nào bạn sẵn sàng làm nhiệt thành mà không quan trọng mức lương?
Những câu hỏi nhỏ càng được trả lời một cách rõ ràng, trung thực nhất bạn càng dễ dàng xác định sứ mệnh cá nhân của mình.
Sau đây là một vài ví dụ về phát biểu sứ mệnh cá nhân:
“Tôi sinh ra trên đời để trở thành một bác sĩ giỏi, cứu giúp càng nhiều người càng tốt.”
“Tôi sinh ra trên đời để tạo ra một hệ thống quán cà phê sách được nhiều người yêu thích.”
“Tôi sinh ra trên đời để xây dựng một gia đình hạnh phúc.”
[1] Bài diễn văn I have a dream phát biểu tại đài tưởng niệm Linconl, Washington DC.