Ra mắt sách

Quản trị cuộc đời

Khám phá ngay cuốn sách mới của chúng tôi tại đây

Thế nào là một mục tiêu tốt?

// November 24 // 0 Comments

Trong khoa học quản trị, nguyên tắc SMART là công cụ để các nhà quản trị đánh giá tính hiệu quả của mục tiêu. Để lập kế hoạch mục tiêu cho cuộc đời, bạn cũng không thể bỏ qua nguyên tắc này. Vậy SMART là gì? Đó là những tiêu chí đo lường mức độ khả thi của một kế hoạch mục tiêu. Trong đó:

S – Specific: Cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu

Thứ gì nhìn thấy được, thứ đó càng dễ nắm bắt. Vậy nên nguyên tắc đầu tiên khi lập kế hoạch mục tiêu là cần sự rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu. Mục đích của bạn có thể là trở thành người có cuộc sống hạnh phúc, còn mục tiêu để phục vụ cho mục đích đó phải hết sức cụ thể. Càng chi tiết càng tốt. Một mục tiêu sẽ có khả năng đạt được cao hơn nếu bạn trả lời được tất cả câu hỏi liên quan đến nó. Ví dụ bạn muốn đặt ra mục tiêu đưa gia đình đi du lịch nhiều trong năm tới, hãy liệt kê ra số tiền cần chuẩn bị, địa điểm muốn đi, những địa điểm được ưu tiên có được mọi người trong gia đình yêu thích hay không…

M – Measurable: Đo đếm được

Để tránh cảm tính và mơ hồ, mục tiêu bắt buộc phải đo đếm được. Trong khoa học, quy tắc “thứ gì không đo được đều không tồn tại” luôn được các nhà nghiên cứu tâm đắc. Đó là lý do cần đến dữ liệu, điều mà tôi sẽ phân tích ở phần sau. Nếu bạn đặt mục tiêu là trở thành người biết bảo vệ sức khỏe, bạn sẽ khó lòng thực hiện được, vì nó quá mơ hồ, không có định nghĩ cụ thể nào cho việc “biết bảo vệ sức khỏe” cả. Thay vào đó hãy lập các mục tiêu cụ thể: mỗi ngày đi bộ 30 phút từ năm giờ rưỡi đến sáu giờ sáng, uống hai lít nước, ăn 300g rau xanh và trái cây, cắt giảm tinh bột mỗi tuần một lần… Nếu bạn không đo đếm được thì bạn cũng khó mà đánh giá được mục tiêu có thành công hay không. Việc đo lường được sẽ giúp bạn nhận định chính xác tình hình, từ đó đưa ra những phương án phù hợp hơn.

A – Achievable: Có thể đạt được bằng khả năng của mình

Nghĩa là mục tiêu đó cần vừa tầm với khả năng của bạn. Khi bạn đạt được những mục tiêu nhỏ, nó sẽ là chất kích thích rất lợi hại cho bạn. Nó giúp bạn phấn chấn để chinh phục những mục tiêu tiếp theo. Vì vậy, đừng đặt mục tiêu ngoài tầm với của bản thân. Nếu đang có mức lương 10 triệu, đừng đặt mục tiêu cuối năm mua được con xe Madaz 6 bóng loáng, nếu không mục tiêu sẽ biến thành mơ mộng viễn vông.

R – Relevant: Liên quan đến mục tiêu dài hạn – mục đích của bạn

Bạn cần phải luôn nhớ đến kim chỉ nam của mình. Tất cả các mục tiêu phải phục vụ và liên quan đến mục tiêu dài hạn, tức là mục đích của bạn. Ví dụ, bạn chỉ nên nỗ lực hoàn thành các khóa học về quản trị kinh doanh khi đã xác định muốn trở thành doanh nhân chứ không phải một cô giáo mầm non. Tất cả mục tiêu đề ra đều phải phục vụ cho điểm đích mà bạn vạch ra trong cuộc đời mình.

T – Time bound: Thời hạn để đạt được mục tiêu đã vạch ra

“Khi nào?” là câu hỏi người quản trị luôn cần đặt ra cho đối tượng mình quản trị. Bạn cũng phải luôn hỏi mình câu đó, bởi bạn đang là nhà quản trị của cuộc đời mình. Một mục tiêu không có mốc thời gian hoàn thành giống như bạn thả mình trên mặt biển với một cái phao biếng nhác, rồi mặt trời lặn thì cắp phao đi về. Cuộc đời chúng ta cần bơi và thời gian chính là động lực tạo ra kỉ luật để ta bơi nhanh hơn. Muốn đạt được mục tiêu bạn cần bỏ các từ ngày mai, vài ngày nữa, sang năm, vài năm tới, khi nào thuận lợi… ra khỏi đầu. Hãy gọi thời gian bằng cách này: Ngày/tháng/năm/giờ/phút…

Bạn thích bài viết trên?

Cùng đọc thêm những bài viết:

November 24, 2021

Sứ mệnh cuộc đời
Trang chủ
Công cụ
Tìm kiếm
Hotline