__CONFIG_colors_palette__{"active_palette":0,"config":{"colors":{"44ebb":{"name":"Main Accent","parent":-1}},"gradients":[]},"palettes":[{"name":"Default","value":{"colors":{"44ebb":{"val":"var(--tcb-skin-color-4)","hsl":{"h":206,"s":0.2727,"l":0.0647,"a":1}}},"gradients":[]},"original":{"colors":{"44ebb":{"val":"rgb(57, 163, 209)","hsl":{"h":198,"s":0.62,"l":0.52,"a":1}}},"gradients":[]}}]}__CONFIG_colors_palette__
__CONFIG_colors_palette__{"active_palette":0,"config":{"colors":{"44ebb":{"name":"Main Accent","parent":-1}},"gradients":[]},"palettes":[{"name":"Default","value":{"colors":{"44ebb":{"val":"var(--tcb-skin-color-4)","hsl":{"h":206,"s":0.2727,"l":0.0647,"a":1}}},"gradients":[]},"original":{"colors":{"44ebb":{"val":"rgb(57, 163, 209)","hsl":{"h":198,"s":0.62,"l":0.52,"a":1}}},"gradients":[]}}]}__CONFIG_colors_palette__

Quản trị cuộc đời là gì?

Quản trị cuộc đời là tiến trình con người dùng các chức năng của quản trị ( hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra) để quản lý chính mình, nhằm đạt được mục tiêu cuộc đời bằng phương thức hiệu quả nhất. 

Khái niệm quản trị cuộc đời được Peter Drucker, cha đẻ của khoa học quản trị hiện đại, khởi xướng khi ông lần đầu tiên nhắc đến “quản trị bản thân” trong bài viết Managing oneself trên tạp chí Harvard Business Review (tháng 3,4/1999). Mở đầu bài báo của mình, ông khẳng định: “Thời đại chúng ta đang sống mang đến cho con người những cơ hội chưa từng có: nếu có đủ tham vọng và khôn khéo, mỗi người có thể vươn tới đỉnh cao trong nghề nghiệp mà mình lựa chọn, bất kể xuất phát điểm là như thế nào”. Peter Drucker cho rằng để tìm ra câu trả lời nhằm quản trị bản thân thật tốt, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi cho chính mình. Điểm mạnh của tôi là gì? Tôi hành động bằng cách nào? Tôi là một người đọc (reader) hay một người lắng nghe (listener)? Tôi học bằng cách nào? Giá trị của tôi là gì? Tôi thuộc về lĩnh vực nào? Tôi nên đóng góp những gì?

Tác giả Bùi Gia Hiếu đề xuất mô hình quản trị cuộc đời mô hình quản trị cuộc đời được khái quát qua hình ảnh xây dựng một ngôi nhà, với ba kết cấu chính.

Xuất thân và tu thân, hai yếu tố then chốt xây dựng nền móng cuộc đời

Yếu tố quan trọng nhất của một ngôi nhà chính là nền móng, bởi nó quyết định độ vững chắc của cả ngôi nhà. Bạn muốn xây nhà bao nhiêu tầng thì nền móng phải được thiết kế chịu được lực tương đương bấy nhiêu. Bất kể ngôi nhà có hoành tráng và đẹp đẽ đến đâu, nếu nền móng yếu, nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nền móng của ngôi nhà cuộc đời theo tôi được cấu thành từ hoàn cảnh xuất thân và quá trình tu thân của mỗi người. Hai yếu tố này, một là bất biến không thể thay đổi được (xuất thân), một là vạn biến, có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào nổ lực của chúng ta (tu thân). Hai yếu tố này sẽ quyết định rất nhiều đến việc bạn là ai.

Xuất thân bao gồm: không gian, thời gian, địa điểm, gia cảnh mà chúng ta được sinh ra và lớn lên. Chúng ta không thể lựa chọn được hoàn cảnh xuất thân cho bản thân, bởi người ta không thể lựa chọn cha mẹ hoặc môi trường mình được sinh ra, càng không thể lựa chọn thời đại để ra đời. Mỗi người có một xuất thân khác nhau nên mỗi người dĩ nhiên sẽ có một cuộc đời khác nhau, không đời ai giống nhau. Câu hỏi đặt ra là: Có phải yếu tố xuất thân sẽ chi phối toàn bộ cuộc đời chúng ta hay không? Xuất thân đóng góp bao nhiêu phần trăm trong sự thành bại của một đời người?

Rõ ràng những yếu tố ở phần xuất thân sẽ ảnh hưởng đến tiềm thức, tính cách của mỗi người, tuy vậy, nó chỉ đóng vai trò thứ yếu trong hai thành phần cấu thành nên nền móng của ngôi nhà. Nhận thức về xuất thân rất quan trọng, đó là yếu tố để chúng ta hiểu chính mình. Đặt ra câu hỏi và ngẫm nghĩ về xuất thân chính là bước đầu để trả lời câu hỏi tối quan trọng “Tôi là ai?”. Về cơ bản, những câu hỏi về xuất thân bạn cần xét đến là những câu dưới đây: 

- Tôi sinh ra trong gia đình như thế nào?

- Điều gì từ tính cách của bố mẹ ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất?

- Trong thời thơ ấu, ai là người ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất?

- Tiềm thức, suy nghĩ của tôi ngày hôm nay là do đâu? 

Chỉ khi nhận thức đúng đắn về xuất thân, chúng ta mới bắt đầu được quá trình sửa mình và học hỏi (tu thân) một cách đúng đắn. Chúng ta không được lựa chọn xuất thân nhưng chúng ta hoàn toàn được lựa chọn và nắm trong tay quyền quyết định nền móng ngôi nhà cuộc đời mình là vững chắc hay yếu ớt, bởi chúng ta hoàn toàn chủ động trong quá trình TU THÂN. 

Bill Gates đã từng nói: “Nếu sinh ra trong nghèo khổ, đó không phải là lỗi của bạn, nhưng nếu bạn chết trong nghèo khổ, đó hoàn toàn là lỗi của bạn”. Sinh ra trong nghèo đói hay giàu có là thuộc về hoàn cảnh xuất thân, bạn không có quyền lựa chọn, nhưng nếu đến cuối đời bạn vẫn bị cái nghèo đeo bám, đó là do bạn đã không làm gì với đời mình, hoặc bạn làm chưa đúng, chưa đủ. Nhiều vĩ nhân xuất chúng mà chúng ta biết vốn sinh ra trong nghèo đói, trong chiến tranh loạn lạc, nhưng họ đã thực sự tạo cho cuộc đời mình một nền móng vững chắc nhờ quá trình Tu thân.

Ở đây tôi muốn dùng từ Tu thân, dù nó không được thời thượng và đúng xu hướng như từ phát triển bản thân, nhưng tôi không thấy có từ nào hợp hơn để diễn đạt những gì tôi hiểu về quá trình này. Tu thân là luôn nhìn lại mình mỗi ngày, cần mẫn, nhẫn nại học hỏi để Tôi của ngày mai tốt hơn Tôi của hôm nay. Nó là một quá trình lâu dài, liên tục, có tính kế thừa và phát triển. Tu thân không phải ngày một ngày hai, không phải chỉ tham gia một vài khóa học, đọc một vài cuốn sách, lấy được tấm bằng đại học, đi du học một nước nào đó rồi vinh quang trở về là đã tu thân xong. Tu thân là việc trọn đời, của mỗi giây phút mà chúng ta đang sống. Và mỗi khi chúng ta đạt được một “cảnh giới” mới về mặt nhận thức, chúng ta đã giúp nền móng cuộc đời mình thêm vững chắc. Tu thân là quá trình mang tính trải nghiệm cá nhân sâu sắc. Nó không thể được sao chép hay bắt chước. Tự bạn sẽ biết bản thân học bằng cách nào là tốt nhất. Cũng như chỉ bạn mới biết bạn cần học cái gì. Điều gì trong tính cách là trở ngại cho bạn? Điểm yếu của bạn là gì? Điểm mạnh là gì? Chỉ có bạn mới trả lời được những câu hỏi đó. Tu thân không chỉ là học hỏi những cái hay mà còn là sửa đổi những cái dở của mình. Quá trình sửa mình và học hỏi này đòi hỏi chúng ta phải rất hiểu mình, để ngộ ra con đường riêng cho ta. Nếu không hiểu chính mình, bạn sẽ đi con đường của kẻ khác. 

Cá nhân nào có quá trình tu thân càng nghiêm túc, càng kiên trì thì vai trò của xuất thân càng lu mờ trong nền móng cuộc đời. Có những cá nhân sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh rất bất lợi nhưng thông qua quá trình sửa đổi và học hỏi tích cực, người đó hoàn toàn có thể làm dày thêm nền móng cuộc đời mình. Ngược lại, những người sinh trong trong hoàn cảnh thuận lợi nhưng không chịu tu thân sẽ khiến nền móng cuộc đời ngày càng yếu ớt và mong manh, dễ vỡ.

Gia đình, sự nghiệp, môi trường - trụ cột vững chắc

Xác định giá trị cốt lõi quan trọng nhất của cuộc đời chính là bước tiếp theo bạn cần làm để xây dựng mô hình quản trị cuộc đời của mình. Điều quan trọng nhất trong đời mà bạn cần phải quản lý là gì?

Tiền? Đây hẳn là yếu tố được nhiều người quan tâm nhất. Tuy nhiên, một khi trải nghiệm đủ, bạn sẽ hiểu rằng tiền chỉ là phương tiện vô cùng quan trọng trong cuộc sống, chứ không nên là mục đích sống. Bạn sẽ thấy có những người thành danh, tiền chất cao hơn núi nhưng bỗng một ngày tuyệt vọng, tự tìm đến cái chết. Có những tỷ phú gặp cảnh gia đình lục đục vì tranh giành tài sản.

 Quyền? Hãy nhìn xem bao người quyền cao chức trọng nhưng bệnh tật đầy mình, tâm lý bất ổn, lúc nào cũng cảm thấy không đủ! Và còn biết bao con người có đủ cả tiền và quyền trong tay nhưng hiếm hoi có được những phút giây vui vẻ, hạnh phúc. 

Tiền và quyền thật ra chưa bao giờ là tiêu chuẩn của một cuộc đời thành công, hạnh phúc.

Xem xét toàn diện thì trong cuộc đời chúng ta có ba rường cột quan trọng nhất là gia đình, sự nghiệp và môi trường. Ba rường cột này vừa là phương tiện giúp chúng ta thiếp lập kế hoạch mục tiêu cuộc đời, vừa là mục đích hướng đến của mỗi con người. Khi ba rường cột này vững chắc thì mái nhà mới được nâng đỡ, mục tiêu mới rõ ràng, chắc chắn, thành công sẽ đến với chúng ta một cách bền vững. Đây chính là ba thành phần cần được quản lý chắc chắn và cân bằng để hình thành nên ngôi nhà vững chãi.

Gia đình, theo tôi, chính là thành tố ảnh hưởng rất lớn đến thành bại của một đời người. Gia đình, nhất là trong quan điểm của người phương Đông, luôn là yếu tố cực kì quan trọng mà mỗi cá nhân phải xây dựng. Có một gia đình hạnh phúc, trở thành động lực cho tất cả thành viên phát triển là cuộc đời bạn đã có một ý nghĩa lớn lao. Gia đình chính là trụ cột đời sống tinh thần trong ngôi nhà cuộc đời. Hiện nay, bên cạnh mô hình gia đình truyền thống còn có nhiều mô hình mới xuất hiện như gia đình bố đơn thân, mẹ đơn thân, gia đình không sinh con cái…Dù là mô hình nào thì gia đình luôn là yếu tố vô cùng quan trọng cần quan tâm và xây dựng, không thể để lơ là.

Sự nghiệp bao gồm các yếu tố như địa vị, tài chính, năng lực, công việc…Đây là trụ cột đời sống vật chất trong ngôi nhà cuộc đời. Thiếu trụ cột này chúng ta sẽ khó lòng dựng xây ngôi nhà vững chãi. Thường thì, khi nhắc đến sự nghiệp người ta hay lấy tiền của và quyền lực làm thước đo, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất trong sự nghiệp là chúng ta lựa chọn được một mục tiêu, một lẽ sống cho mình trong sự nghiệp ấy. Ngày nay chúng ta hay quan tâm đến việc làm chủ hay làm thuê, chuyên gia hay quản lý, nhưng quan trọng hơn những điều này là chúng ta xác định được lý tưởng trong sự nghiệp của mình và kiên trì theo đuổi nó. 

Môi trường sống thường được xem xét ở hai góc độ: môi trường tự nhiên (nước, không khí, đất đai,…) và môi trường xã hội (nhà ở, trường học, công ty, những người chúng ta tiếp xúc…). Trong mô hình quản trị cuộc đời này, tôi nhấn mạnh và xem xét nhiều đến môi trường xã hội vì đó là yếu tố chúng ta có thể quản trị được. 

Mục tiêu và sứ mệnh cuộc đời - mái nhà che chắn

Trong mọi doanh nghiệp và tổ chức, người ta thường xác định mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh và nhà quản trị lấy đó làm kim chỉ nam để phát triển tổ chức, doanh nghiệp của mình. Trong mô hình quản trị cuộc đời, mục tiêu và sứ mệnh cuộc đời giữ vai trò mái nhà trong ngôi nhà cuộc đời, là yếu tố không thể thiếu trong tổng thể cuộc đời mỗi người. Nó là ngọn hải đăng soi sáng con đường ta đi, đồng thời là đích đến của cuộc đời. Một khi bạn chưa xác định được mục tiêu và sứ mệnh của đời mình, bạn sẽ khó lòng hoàn thiện được ngôi nhà cuộc đời của mình.

Quản lý tốt ba phần chính trong ngôi nhà cuộc đời này bạn sẽ hoạch định được cuộc đời mình một cách khoa học, hợp lý. Nó như một bản đồ rõ ràng giúp bạn tự cân bằng các yếu tố trong cuộc sống, giúp bạn kiên cường bước qua những khó khăn, khủng hoảng có thể gặp trong đời.

Trang chủ
Công cụ
Tìm kiếm
Hotline